Các Bài Luận Apply Học Bổng
Chắc hẳn có rất nhiều bạn học sinh ở đây đang tự thắc mắc rằng liệu viết một bài Scholarship essay như thế nào có thể thu hút được giám khảo và vẫn đang phân vân liệu nên bắt đầu từ đâu? Thì mình cũng xin chia sẻ một chíu xíu kinh nghiệm và kiến thức của mình về vấn đề này.
Cảm giác khi đọc email kết quả
Thực sự là lúc apply mãi không đỗ, xong thấy nhiều cơ hội mà mình không apply được, rồi thấy mọi người thành công, mình cũng áp lực và xuống tinh thần lắm. Không phải lúc nào mình cũng có thể nói với bản thân là “cố lên, cố gắng tiếp lần sau”. Thậm chí khi viết bộ hồ sơ apply PhD số 14 , nghĩ đến viết bộ nữa, liên hệ với thầy lại cũng nản lắm.
Có rất nhiều email thông báo trượt khi apply PhD nhưng dưới đây là email reject mà mình đọc đi đọc lại nhiều lần nhất.
Đó là kết quả cuối cùng mình nhận được cho mùa apply 2021, và mình đã khóc rất nhiều. Có lẽ khóc là cách nhẹ nhàng và hiệu quả nhất để bạn có thể giải tỏa được những điều trong lòng. Mình cũng tự hỏi liệu con đường mình đi có sai không, sao đi mãi chẳng thấy ánh sáng. Kèm với đó mình lại thấy tội lỗi khi bao người giúp đỡ nhưng mình không đủ tốt. Thế rồi mình viết email cho thầy mentor ở Westminster, một phần để thầy yên tâm, một phần cũng để tự trấn an bản thân mình. Mình viết cho thầy rằng “Lần này, em vào được short-list rồi, còn một chút nữa thôi, nhất định lần tới em sẽ dành được học bổng”.
Nếu bạn đang đau đầu, mệt mỏi, chán nản vì apply rồi thất bại, thì điều quan trọng nhất mình học được trong suốt quá trình apply của mình là:
Thành công là khi nhận được cái email trượt đến trường thứ 10, bạn vẫn còn đủ sức để ngồi dậy viết bộ hồ sơ thứ 11, 12, và 13.
Tại sao bạn muốn làm nghiên cứu? Làm nghiên cứu để làm gì?
Làm PhD với mình là câu chuyện dài. Nó không phải vì sau khi xem Big Bang Theory. Không phải vì đi làm chán quá quay lại đi học bởi mình có một công việc cũng khá “fancy” trong mắt nhiều người. Hơn tất cả mình luôn cảm thấy “đói”, thấy thèm khát cần được học hỏi.
Giờ thì mình đã hiểu tại sao hồ sơ luôn yêu cầu viết personal statement. Nó giúp người đọc hiểu về ứng viên và cũng giúp người viết nhìn lại chính mình. Có những bài luận viết xong thì thấy “OK lắm” nhưng đến lúc đọc lại thấy nó thật “Dở hơi”. Có những ngày gửi cho tên bạn đọc, hắn trả lại 1 câu thấy phũ “Tôi đọc mà cảm giác như uống nước bị nghẹn” vì nó rời rạc, chắp nối. Đến khi có thể viết ra 3 cái gạch đầu dông rõ ràng tại sao bạn muốn đi học PhD, thì mỗi lần phỏng vấn được hỏi câu đó, mình cũng vui như ôn thi trúng tủ.
Thực ra mình không khuyên bạn là “Hãy apply đi, trượt mãi rồi đến ngày sẽ đỗ ”. Với mình, mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh riêng, họ được trao những ưu điểm của riêng và họ có những đam mê của riêng mình. Một con cá bơi rất giỏi, nhưng nếu bắt con cá phải leo cây thì cả đời nó sẽ sống trong suy nghĩ mình là kẻ ngu dốt. Mình mong, mỗi người chúng ta tìm ra được con đường mà mình thực sự mong muốn. Để rồi, dù kết quả có ra sao, bạn đều có thể hài lòng và tự hào rằng mình đã cố hết sức và mình luôn chọn điều tốt nhất, phù hợp nhất cho chính mình. Nếu bạn định dừng việc tìm kiếm cơ hội thì hãy có một lý do hợp lý. Ví dụ, bạn đã có cơ hội tốt hơn, bạn không muốn đi học nữa. Đừng dừng lại bởi bạn nghĩ không ai cho bạn cơ hội, chỉ là bạn không đủ kiên nhẫn mà thôi.
Có lần, mình nhờ anh bạn mình đang làm PhD ở Oxford chia sẻ ít kinh nghiệm trước khi phỏng vấn, anh ấy hỏi lại mình là “Vẫn còn apply cơ à?” Lúc ấy, mình cũng đã nhờn mỗi lần đọc email kết quả rồi. Thực ra, sự kiên trì không chỉ là cứ tiếp tục apply cho đến khi nào đỗ đâu, mà còn là sự bình tĩnh để chở đợi hàng loạt thủ tục cần giải quyết. Good things take time. Mình gần như “thấm nhuần” cái quá trình mỗi ngày một ít một. Suốt thời gian ấy, mình cũng trồng 1 cái cây. Chỉ cần tưới nước mỗi ngày, chỉ cần tiếp tục gieo hạt sau mỗi ngày con chuột đào hết cả gốc lên và chỉ cần tâm lý vững vàng để vượt qua cám dỗ khi mọi người nói rằng “Gieo hạt không lên đâu, mua cây cho lành”, cây hoa của mình đã ra hoa thật.
“Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”
Với bản thân mình, niềm vui cũng là khi thấy kỹ năng viết của mình tiến bộ lên mỗi ngày, chầm chậm thấy những vấn đề trước đây mình rất sợ phải học (Statistic chẳng hạn) nhưng giờ mình đã không còn sợ nữa.
Chúng ta trưởng thành từ thất bại và trở nên bền bỉ hơn sau mỗi lần vấp ngã. Mình từng hỏi những người phỏng vấn của mình rằng “làm PhD cần những khả năng gì? Câu trả lời mình nhớ nhất đó là “Resilience”. Ban đầu mình cũng chẳng biết như thế nào gọi là Resilience. Đến khi mình viết personal statement trong bộ hồ sơ gửi trường Cardiff lần 2, supervisor của mình đọc để sửa bài cho mình và comment rằng “ I am impressed with your resilience”. Khi đọc email của cô, mình mới có thể cười tươi rằng, những thất bại trao cho mình khả năng đó. Sẽ chẳng có cuốn sách hay lớp học kỹ năng mềm nào đào tạo kỹ năng này cả.
Xem Youtube bài phát biểu của JK Rowling về giá trị của thất bại có một câu thế này:
It is impossible to live without failing at something unless you live so cautiously that you might as well not have lived at all – in which case, you fail by default.
Người ta hay chia sẻ về những thành công, nhưng trên blog này, mình luôn muốn chia sẻ về giá trị của thất bại, bởi mình tự nhận thấy thành công của mình cũng ít ít thôi, còn kinh nghiệm thất bại mình thấm nhuần hơn. Kinh nghiệm giành được học bổng của mình là những điều rút ra sau những trải nghiệm cá nhân. Mình không chắc là nó sẽ đúng với trường hợp của bạn. Lý do vì ngành học khác nhau, thời điểm khác nhau, các thầy cô khác nhau, mỗi người một tính cách và chúng ta đi trên những con đường khác nhau nữa. Số phận của chúng ta khác nhau, duyên khác nhau và nhận được những may mắn khác nhau. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng chúng ta học được từ thất bại nhiều hơn là thành công. Mình hi vọng bạn có thể tránh được những sai lầm mình từng mắc phải để chúng ta có thể đối diện với sự không vừa ý một cách nhẹ nhàng hơn, đừng tạo áp lực cho bản thân. Và có một câu này mình thấy cũng đúng:
The later comes is always the better one. At least it come with a better us.
Nếu bạn có dự định đi du học thì sau khi đọc không biết bao nhiêu bài “Kinh nghiệm apply học bổng”, bạn hãy bắt tay vào thực hiện ngay. Làm việc 12h còn hơn 12 tháng ngồi suy nghĩ và 12 năm ước ao. Đọc một bài báo khoa học, Google một trường, một giáo sư, một dự án. Sai lầm của mình trong lần apply này là thay vì bắt tay vào viết ngay hôm nay, ngay lúc này minh đã dành khá nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch và lo lắng, để rồi đến lúc sát deadline rồi thì chạy không ăn không ngủ, nghỉ làm để viết. Rồi thì cũng xong, nhưng nếu dành nhiều thời gian hơn mình đã có thể đọc kỹ lại, ít lỗi sai hơn, đọc nhiều tài liệu tham khảo hơn.
Việc post profile lên các diễn đàn để hỏi “Thế này có cơ hội nhận được học bổng không?”, mình thấy cũng chẳng có tác dụng gì, bởi người có thể cho bạn học bổng không ở trong diễn đàn kiểu đó đâu. Thay vào đó, bạn gửi thẳng CV cho 1 giáo sư bạn thấy tiềm năng thì họ còn có thể cho nhận xét. Ngoài ra, mình thấy khi đọc kinh nghiệm của người khác, những bài truyền động lực, hay thậm chí thuê một dịch vụ sửa hồ sơ chuyên nghiệp đến mấy cũng không thể biến bạn thành một con người khác và không ai đảm bảo sự thành công cho bạn được được đâu. Khi bạn còn đang lo lắng và cân nhắc hết việc này đến việc kia thì thời gian cứ trôi và deadline vẫn cứ ngày càng gần. Khi thử bạn chỉ mất thời gian thôi nhưng bạn sẽ nhận lại kinh nghiệm, còn không thử thì bạn mất cơ hội.