Tuy nhiên, để giữ vững cũng như gia tăng thị phần tại thị trường này, doanh nghiệp cà phê Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Cà phê, hạt tiêu ngày càng có vị thế tại trường Australia

Chia sẻ tại Hội nghị giao thương trực tuyến “Cà phê và hạt tiêu Việt Nam năm 2021” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Tổng lãnh sự, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia- cho biết, Australia là quốc gia không sản xuất nhiều cà phê nhưng lại là một thị trường cà phê lớn. Dự kiến năm 2021, Australia tiêu thụ trung bình 2 kg cà phê/người/năm, trong đó có 0,6kg/người là cà phê rang xay và 1,4 kg là cà phê hòa tan. Mức tiêu thụ này nếu so với các nước châu Âu thì thấp hơn nhưng vẫn nằm trong nhóm 30 nước tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.

Về sở thích, người Australia thích uống cà phê mang đi, chiếm 25%, đây cũng là lý do các quán cà phê ở Australia khá nhỏ. Tuy nhiên, với cách thức này, lượng bán hàng sẽ được nhiều hơn cà phê ngồi tại chỗ.

Người Australia cũng rất khắt khe trong lựa chọn thực phẩm đồ uống, khẩu vị chung của họ là thích uống cà phê hương vị châu Âu, chính vì vậy, họ nhập khẩu cà phê chế biến từ châu Âu rất nhiều.

Tuy nhiên, những năm gần đây, giới trẻ của Australia có xu hướng trải nghiệm sản phẩm mới, do vậy, những cà phê pha hương vị nông sản khác cũng bắt đầu được tiêu thụ mạnh ở Australia.

Nhận định về thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Australia những tháng cuối năm, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết, 7 tháng đầu năm 2021 giảm do tình hình mùa vụ cà phê cũng như do một số vấn đề khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Australia tăng mạnh. Tháng 9/2021, xuất khẩu cà phê sang thị trường Australia tăng 41% so với tháng 8/2021. Dự báo, từ nay đến cuối năm nhu cầu được cải thiện cùng với nguồn cung tăng lên nên việc tiêu thụ sẽ tăng trong thời gian tới.

Tương tự đối với mặt hàng hạt tiêu, Australia cũng không phải là thị trường sản xuất hạt tiêu. Hàng năm, Australia là thị trường nhập khẩu lượng lớn hạt tiêu với mức tăng trưởng khoảng 2,5%/năm. Australia nhập khẩu hạt tiêu từ nhiều nước trên thế giới, trong đó, nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu từ Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Italy, Indonesia…. Hiện nay, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất sang Australia với tỷ trọng chiếm từ 50-60%. Đáng chú ý, hạt tiêu Việt Nam có vị thế ngày càng lớn tại thị trường này.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang Australia đạt 2,63 ngàn tấn, tăng 30,47% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam sang Australia cũng tăng trưởng rất mạnh. Ông Nguyễn Phú Hòa dự báo, từ nay đến cuối năm, nhà nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam sang thị trường này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Đặc biệt, trong xu thế hiện nay, xu hướng nhập khẩu nông sản cũng như hàng hóa từ Việt Nam sang Australia tiếp tục tăng cao. Mức độ tin tưởng và uy tín của hàng Việt Nam tại Australia ngày càng được nâng lên, đây là thời cơ rất lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, hạt tiêu sang thị trường này.

Trong một xu hướng khác, rất nhiều doanh nghiệp chế biến của Australia đang tìm cách đẩy mạnh đầu tư về chế biến nông sản tại Việt Nam. Xu thế này giúp doanh nghiệp 2 nước có thể khai thác lợi thế để sản xuất, xuất khẩu sang Australia hoặc sang nước thứ 3.

Đa dạng các hoạt động xúc tiến xuất khẩu

Để thúc đẩy cà phê, hạt tiêu sang thị trường Australia, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức kết nối giao thương trực tuyến, việc thúc đẩy quảng bá thông qua hình thức trải nghiệm của người tiêu dùng cũng được các chuyên gia khuyến nghị. Bởi lẽ, việc này sẽ giúp người tiêu dùng biết đến chất lượng, hương vị sản phẩm của Việt Nam thông qua việc thưởng thức trực tiếp. Điều này sẽ giúp mở rộng dung lượng thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Phú Hòa cho biết, hiện Thương vụ đang làm việc với một số hệ thống phân phối lớn, các cửa hàng, đặc biệt là giới trẻ ở bang Tây Australia và các doanh nghiệp trong nước để thành lập một trung tâm trải nghiệm cà phê Việt Nam ở khu vực Tây Australia. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cần gắn với mặt hàng chuyên sâu hoặc gắn với từng doanh nghiệp cụ thể song song với việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Có như vậy, sẽ tạo được hiệu ứng lớn trên thị trường.

“Vừa rồi, rất nhiều các sản phẩm nông sản chính của Việt Nam đều được cơ quan thương vụ đưa vào xúc tiến thương mại theo hình thức trải nghiệm. Ví dụ như đối với mặt hàng cà phê, chúng tôi đưa vào dùng thử tại các hội chợ và sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình này”, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Hòa, hiện nay, tại Australia có nhiều nhà hàng nhỏ của người Việt nhưng chưa có sự hiện diện của cà phê Việt tại đây. Nếu chúng ta có các sản phẩm cà phê uống liền, nhanh, tiện lợi để các quán ăn nhỏ họ không mất quá nhiều thời gian trong công tác chế biến thì cà phê của Việt Nam sẽ được quảng bá sâu hơn với cộng động người Việt Nam tại Australia. “Hiện, cộng đồng người Việt Nam tại Australia có khoảng hơn 300 nghìn người. Do đó, nông sản Việt Nam nếu đi vào hệ thống nhà hàng của doanh nghiệp tại Australia thì việc quảng bá thương hiệu sẽ có hiệu ứng lan tỏa, ông Nguyễn Phú Hòa nhấn mạnh.

Tương tự đối với mặt hàng hạt tiêu, Thương vụ cũng đang có chương trình thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng gia vị Việt Nam gắn với các hệ thống nhà hàng Việt Nam tại Australia. Theo đó, 2 bên cam kết với nhau cùng đẩy mạnh quảng bá nông sản gia vị, trong đó, riêng mặt hàng hạt tiêu, hiện có hơn 10 nhà hàng đồng ý tham gia.

Bên cạnh đó, có thể quảng bá tại các giải thể thao cộng đồng, qua đó có thể thúc đẩy xuất khẩu. “Mặt hàng gừng đông lạnh, chúng tôi phát hiện nhu cầu tại Australia đang tăng mạnh. Do đó, chúng tôi đã đưa sản phẩm gừng đông lạnh vào chương trình xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chúng tôi còn quảng bá trên mạng xã hội. Sau 10 tháng, xuất khẩu gừng Việt Nam sang thị trường Australia tăng trưởng rất mạnh, đạt hơn 100%”, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết thêm.

Dù thị trường được đánh giá là rất rộng lớn. Tuy nhiên, Australia là thị trường rất khó tính. Người tiêu dùng Australia không chấp nhận sử dụng các sản phẩm tiêu dùng giá rẻ. Hạt tiêu và cà phê Việt Nam có thương hiệu và chất lượng rất ngon. Nếu chúng ta đưa được các sản phẩm chất lượng tốt và có các chương trình truyền thông để quảng bá mạnh, giá trị và thương hiệu của cả sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nâng cao hơn nữa.

Các chuyên gia nhận định, với khối lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu tới thị trường Australia tăng trưởng ấn tượng thời gian qua, “xứ sở chuột túi” đang trở thành thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để rộng mở cơ hội xuất khẩu tới thị trường lớn nhất châu Đại dương này, các doanh nghiệp cần nắm bắt thị hiếu khách hàng, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu vững chắc cho sản phẩm, hàng hóa. “Sầu riêng Việt Nam trước kia không xuất khẩu được sang Australia. Tuy nhiên, với chiến lược đưa sầu riêng ngon, chất lượng cao và đảm bảo bao ăn, đến thời điểm này, sầu riêng Việt Nam tại Australia đã tạo ra một hiện tượng rất tốt và cạnh tranh rất mạnh mẽ tại thị trường này”, ông Nguyễn Phú Hòa dẫn chứng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Trong 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam chiếm 25% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu cà phê của Nhật Bản, so với 27% của Brazil, nước có kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản giảm 7% so với cùng kỳ năm 2017. Phần lớn cà phê từ Việt Nam là cà phê Robusta, vốn nổi tiếng khá dễ trồng và kháng bệnh, vật hại – các phẩm chất giúp đảm bảo nguồn cung ổn định. Loại cà phê này khá đắng, ngược với nguồn cà phê Arabica Brazil có vị dịu, ngọt hơn.

Theo Toyohide Nishino, giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Triển lãm Cà phê Toàn quốc Nhật Bản, sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với loại cà phê giá thấp, vị đủ ngon đang thúc đẩy thị phần cà phê Robusta trên thị trường Nhật Bản. Trong cả năm 2017, nhập khẩu cà phê nhân xanh Việt Nam của Nhật Bản đạt 88.000 tấn – tăng 10 lần so với 1 thập kỷ trước – và tăng vọt 15% lên 94.000 tấn chỉ trong 11 tháng đầu năm 2018. Cà phê Robusta hiện đang giao dịch ở mức khoảng 0,68 USD/pound, thấp hơn 30% so với giá cà phê Arabica, hiện vào khoảng 1,03 USD/pound. Hơn nữa, giá cà phê Robusta đang có xu hướng giảm kể từ năm 2018 do kỳ vọng nguồn cung cà phê Robusta tăng lên.

Tại Nhật Bản, cà phê Robusta chủ yếu được dùng để sản xuất cà phê hòa tan và thường được bán trong các gói cà phê single-cup, rất phổ biến trong các hộ gia đình có 1 – 2 thành viên, là phân khúc khách hàng ngày càng tăng. Cà phê hòa tan phải mang lại cảm giác toàn vẹn và vị đắng đủ để cân bằng với độ ngọt của kem và đường, đó là lý do vì sao cà phê Robusta được ưa dùng, theo Ajinomoto AGF, công ty con ngành thực phẩm và đồ uống của Ajinomoto. Nhưng cà phê Robusta cũng đang ngày một phổ biến trong các công thức pha tại nhà do các nhà cung cấp phối trộn với cà phê Arabica để giảm giá. Cà phê Robusta cũng đang ngày một xuất hiện rộng rãi hơn trong các quán cà phê và mang đến cho các nhà bán lẻ những thương hiệu cà phê riêng, giá cả hợp lý.

Khoảng cách địa lý gần gũi mang đến cho Việt Nam và cà phê Robusta lợi thế tại thị trường Nhật Bản, bởi vận chuyển từ Việt Nam hoặc các nhà sản xuất khác trong khu vực chỉ bằng một nửa quãng đường so với nguồn cà phê Arabica từ Mỹ Latin. Và trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam có nguồn cung lớn nhất, ổn định hơn so với Indonesia.

Một yếu tố khác thúc đẩy sự nổi lên của cà phê Robusta là triển vọng u ám của sản xuất cà phê toàn cầu do biến đổi khí hậu. Do nhiệt độ tăng và hạn hán ngày càng nghiêm trọng, nguồn cung cà phê chất lượng tốt ngày càng khó sản xuất. Một số ước tính dự báo rằng khoảng một nửa “vành đai cà phê” mà hiện nguồn cà phê Arabica chất lượng cao đang được trồng – vành đai mở rộng 25 độ bắc nam từ xích đạo – có thể không còn khả năng sản xuất vào năm 2050.

Cà phê Robusta không thể hoàn toàn thay thế cà phê Arabica, theo người phát ngôn của Key Coffee, một nhà rang xay cà phê lớn tại Nhật Bản. Nhưng nhiều người trong nghề nhận thấy nhu cầu đang tăng lên đối với các công thức cà phê phối trộn Arabica – Robusta. Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị phần bằng cách tăng năng suất cây cà phê. Kết quả là sản lượng cà phê Việt Nam trong năm 2018 tăng 4% so với năm 2017 lên mức cao kỷ lục 30,4 triệu bao loại 60kg, theo USDA.

Để giải quyết nguồn cung cà phê dồi dào và thúc đẩy xuất khẩu cà phê, nhà rang cà phê Việt Nam TNI Corporation đang xây dựng các nhà máy chế biến mới cho thương hiệu King Coffee. “Chúng tôi đang rất nỗ lực phát triển King Coffee, thương hiệu cà phê lớn nhất tại Việt Nam, để thu hút sự chú ý trên thị trường quốc tế”, theo CEO Lê Hoàng Diệp Thảo của King Coffee cho hay.

Nhu cầu nội địa cũng đang thúc đẩy sản xuất cà phê tại Việt Nam khi các quán cà phê hiện nay đang thu hút một lượng lớn những người trẻ lui tới và phân khúc cà phê hòa tan 3 trong 1 bao gồm tinh chất cà phê, đường và sữa bột là thức uống ưa thích của công nhân.

Đồng thời, mặc dù nhu cầu cà phê Arabica của Nhật Bản vẫn ở mức cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự phân cực ngày càng tăng giữa các phân khúc cà phê cao cấp và thấp cấp, theo Shiro Ozawa, một nhà tư vấn cho nhà giao dịch cà phê đặc sản Wataru and Co có trụ sở tại Tokyo.